Trám Răng Là Gì? Quy Trình Và Thông Tin Quan Trọng Cần Chú Ý
Trám răng là giải pháp hoàn hảo cho những trường hợp răng thưa, sứt mẻ nhẹ, răng sâu, ngoài ra còn đảm bảo tính thẩm mỹ và khả năng ăn nhai cho người bệnh. Để hiểu rõ hơn về quy trình dịch vụ, những trường hợp có thể hàn răng và thông tin liên quan, bạn đọc đừng bỏ qua nội dung bài viết dưới đây.
Trám răng là gì?
Trám răng hay hàn răng là kỹ thuật khá phổ biến trong nha khoa giúp phục hình những chiếc răng bị sứt mẻ, hư hỏng, cải thiện khả năng ăn nhai và tính thẩm mỹ. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dùng vật liệu nhân tạo bổ sung vào phần mô răng bị thiếu, sau đó tạo hình để răng trở về đúng hình dạng ban đầu, đảm bảo sự thoải mái cho bệnh nhân trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Trám răng thường được áp dụng cho 4 trường hợp sau:
Hàn răng sâu
Răng sâu hình thành do sự tấn công của vi khuẩn trong quá trình ăn uống hoặc chăm sóc răng miệng không đúng cách. Lúc này trên răng xuất hiện các lỗ hổng, có khả năng bị viêm nhiễm và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
Triệu chứng thường gặp khi bị sâu răng là có cơn đau bất ngờ, răng nhạy cảm với thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh, đau răng khi ăn đồ ngọt, bề mặt răng đổi thành màu đen, trắng hoặc nâu.
Với tình trạng răng sâu, bác sĩ sẽ xử lý bằng cách loại bỏ ổ viêm, vi khuẩn tích tụ bên trong răng, sau đó trám bít làm đầy lỗ hổng, qua đó có thể giảm triệu chứng khó chịu, phục hồi tính thẩm mỹ và chức năng ăn nhai cho bệnh nhân.
Trám răng mẻ
Răng sứt mẻ do cắn vật cứng, bị tai nạn hoặc chấn thương làm ảnh hưởng đến cấu trúc răng sẽ được hàn trám bằng vật liệu chuyên dụng. Trong trường hợp răng mẻ được phát hiện sớm, bác sĩ sẽ tiến hành hàn răng tương tự kỹ thuật trám răng sâu. Người bệnh được vệ sinh sạch sẽ răng miệng để loại bỏ vi khuẩn rồi trám lên chỗ răng mẻ.
Hàn răng thưa
Răng thưa gây khó khăn khi ăn nhai, thức ăn dễ bị giắt vào, khó vệ sinh, đặc biệt nếu răng cửa thưa sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Lúc này hàn răng là cần thiết để tạo hình cho răng. Tuy nhiên cần chú ý kỹ thuật này chỉ áp dụng nếu khoảng thưa giữa 2 răng bé hơn 2mm.
Trong trường hợp răng bị thừa lớn hơn 2mm, nếu dùng vật liệu trám sẽ khiến răng bị to, khá thô và mất cân đối, do đó bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân bọc răng sứ, dán sứ Veneer hoặc niềng răng.
Trám thay vết trám cũ
Trám răng chỉ có tuổi thọ trong một thời gian nhất định. Dưới tác động của quá trình ăn uống, vệ sinh và một số phản ứng trong khoang miệng khiến vết trám dần bị mòn và bong tróc, thậm chí bị đào thải hoàn toàn. Khi đó bác sĩ có thể trám lại răng để thay thế vết trám cũ, đảm bảo hình dáng, cấu trúc, tính thẩm mỹ và chức năng ăn nhai cho răng thật.
5 vật liệu thường dùng trong trám răng
Có rất nhiều vật liệu thường được dùng trong trám răng, tùy vào tình trạng răng miệng, nhu cầu của khách hàng mà bác sĩ tư vấn chất liệu trám phù hợp.
Composite
Composite được sử dụng khá phổ biến trong nha khoa, được bác sĩ ưu tiên lựa chọn do có nhiều ưu điểm nổi bật.
Ưu điểm: Có màu sắc tự nhiên như răng thật, có thể sử dụng cho tất cả vị trí răng, đặc biệt thích hợp để hàn răng cửa.
Nhược điểm:
- Tuổi thọ chỉ duy trì được khoảng 5 năm.
- Khả năng chịu lực của vật liệu này khá kém, không thể trám những vị trí vỡ lớn.
Amalgam
Trám răng Amalgam còn gọi là trám răng bạc, xuất hiện từ khá lâu đời và hiện tại vẫn được sử dụng phổ biến do tuổi thọ cao, giá thành rẻ. Được biết Amalgam là hợp chất bao gồm thủy ngân, bạc, thiếc, kẽm, đồng.
Ưu điểm: Độ bền cao, tuổi thọ sử dụng được từ 10 – 15 năm, chịu lực tốt.
Nhược điểm:
- Tính thẩm mỹ không cao do có chứa kim loại.
- Amalgam không phù hợp để hàn răng cửa, răng phía trước.
- Chứa thủy ngân nên có thể gây hại cho cơ thể.
Chất liệu sứ
Trám răng sứ hiện nay được ưu tiên lựa chọn và có thể sử dụng cho nhiều trường hợp, bao gồm tình trạng răng sứt mẻ kích thước lớn, yêu cầu kỹ thuật cao.
Ưu điểm:
- Tính thẩm mỹ cao do sứ có màu trắng sáng tự nhiên tương tự răng thật.
- Có khả năng chống ăn mòn, chống bám bẩn cao hơn các vật liệu khác.
- Tuổi thọ sử dụng cao, có thể duy trì trên 10 năm.
Nhược điểm: Chi phí cao.
Chất liệu vàng
Sử dụng vàng để hàn răng sẽ làm tăng độ bền, cứng, chắc chắn cho miếng trám. Trám răng vàng cũng khá phổ biến trong nha khoa thẩm mỹ.
Ưu điểm:
- Tính thẩm mỹ cao.
- Chịu lực tốt, độ bền cao và ít bị ăn mòn hơn các loại vật liệu khác.
Nhược điểm: Chi phí cao.
Chất liệu GIC
GIC là Glass Ionomer Cement, có thành phần chính là fluoro aluminosilicate và polyacrylic axit. Chất liệu này có chứa fluor giúp ngăn chặn sâu răng hiệu quả, do đó được dùng phổ biến khi trám răng sâu.
Ưu điểm:
- Độ lành tính cao, an toàn trong khoang miệng.
- Giúp gắn chặt các vết nứt với nhau, hạn chế nứt vết trám.
Nhược điểm: Tính thẩm mỹ của GIC không cao, không tự nhiên.
Quy trình trám răng
Quy trình trám răng đúng chuẩn Y khoa gồm 6 bước cơ bản như sau:
- Bước 1 – Thăm khám, tư vấn: Đầu tiên, người bệnh được bác sĩ kiểm tra vị trí cần trám, đồng thời chụp X-quang để xác định kích thước miếng trám, từ đó tư vấn phương pháp và loại vật liệu phù hợp để hàn răng. Lúc này bác sĩ cũng giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến thời gian thực hiện, chi phí,…
- Bước 2 – Vệ sinh răng miệng: Bệnh nhân được vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, súc miệng sát trùng để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, mảng bám, thức ăn thừa trong kẽ răng, tránh tình trạng nhiễm trùng, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Bước 3 – Gây tê, tạo hình xoang trám: Bác sĩ gây tê cục bộ tại vị trí răng cần xử lý, tránh gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu cho bệnh nhân. Nếu răng bị sâu, nha sĩ tiến hành loại bỏ phần hư hại, tủy bị viêm nhiễm bằng thiết bị chuyên dụng, tiếp đó dùng mũi khoan để tạo hình xoang trám sao cho phù hợp với từng vật liệu trám khác nhau.
- Bước 4 – Trám răng: Đây là bước quan trọng nhất trong quy trình hàn răng, nha sĩ sẽ dùng vật liệu đã được lựa chọn từ trước để trám bít phần răng bị sứt mẻ, có khuyết điểm, lỗ sâu đã được làm sạch. Vật liệu trám ban đầu chỉ ở dạng lỏng nhưng sẽ được chiếu đèn laser để dần đông cứng nhờ phản ứng quang trùng hợp.
- Bước 5 – Chỉnh sửa vết trám: Nha sĩ điều chỉnh lại vết hàn, loại bỏ phần vật liệu dư thừa, đảm bảo răng trở về đúng hình dáng ban đầu, không bị kênh lệch, cộm vướng, bệnh nhân có thể thoải mái ăn nhai.
- Bước 6 – Kết thúc quy trình trám răng: Sau khi người bệnh hài lòng về kết quả nhận được, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách vệ sinh, chăm sóc răng miệng tại nhà, hẹn lịch tái khám nếu cần để kiểm tra vị trí hàn răng và xử lý vấn đề phát sinh.
Trám răng có đau không?
Quy trình trám răng diễn ra khá nhanh chóng, chỉ khoảng 20 – 30 phút, có sự hỗ trợ của thuốc gây tê nếu cần thiết nên không gây đau nhức cho người bệnh. Đặc biệt hiện nay các nha khoa sử dụng những thiết bị thông minh, công nghệ hiện đại giúp việc hàn răng thuận lợi, hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên tùy theo cơ địa, tình trạng tổn thương và vật liệu trám khác nhau, một số trường hợp vẫn cảm thấy ê nhức khó chịu trong và sau khi tiến hành, nhất là trường hợp sâu răng nặng, viêm hoặc hỏng tủy cần xử lý tủy nên ê buốt là điều khó tránh khỏi.
Một số vấn đề có thể gặp khi hàn răng
Trong và sau quá trình trám răng, người bệnh có thể gặp một số vấn đề như:
- Răng đau nhức, nhạy cảm: Sau khi có sự tác động từ yếu tố bên ngoài, hàm răng có khả năng nhạy cảm hơn với thức ăn, nhiệt độ hay không khí. Thông thường tình trạng này sẽ trở lại bình thường sau một vài tuần, không cần dùng thuốc giảm đau hay can thiệp các kỹ thuật chuyên sâu. Trong trường hợp đau khi ăn nhai thức ăn có thể do miếng trám bị cộm vướng hoặc đã từng hàn răng nhiều lần, lúc này cần nhanh chóng đến gặp nha sĩ để điều chỉnh.
- Phản ứng với vật liệu trám: Với bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm có thể bị phản ứng với một số vật liệu trám, đặc biệt là chất liệu Amalgam vì có chứa thủy ngân và kim loại dễ gây kích ứng dẫn đến phát ban, ngứa da hoặc tổn thương mô mềm trong miệng. Để tránh tình trạng này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ và ưu tiên lựa chọn những vật liệu hàn răng phù hợp hơn.
- Vết trám bong tróc: Sau hàn răng nếu bạn ăn nhai liên tục, thường xuyên nhai vật cứng tại vị trí răng mới được xử lý sẽ khiến vật liệu trám mòn, sứt mẻ, thậm chí bong tróc hoàn toàn, gây ra nhiều hệ lụy cho răng và khoang miệng, tăng nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn tấn công.
Cách chăm sóc răng miệng sau trám răng
Để không gây hại cho răng miệng, đảm bảo miếng trám bền chắc, có tuổi thọ sử dụng cao, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Trong vòng 2 giờ đầu sau trám răng bạn không nên ăn uống bất kỳ thứ gì để vật liệu trám cứng chắc, có điều kiện thích ứng tốt với răng.
- 24h sau hàn răng nên ưu tiên thực phẩm mềm, dạng lỏng, tránh phải ăn nhai quá nhiều, hạn chế nhai ở vị trí răng mới trám.
- Tránh ăn thực phẩm quá dai, cứng như sườn, sụn, kẹo dẻo, mía vì chúng sẽ tác động và khiến miếng trám dễ bị bong ra.
- Bạn nên chải răng đều đặn hàng ngày với bàn chải lông mềm, chỉ tác động lực vừa đủ để làm sạch hoàn toàn vi khuẩn, mảng bám, thức ăn thừa mà không gây mòn men răng.
- Súc miệng bằng nước muối sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy giúp khoang miệng luôn sạch sẽ, không bị khuẩn hại tấn công.
- Nên tái khám đúng lịch hẹn, đến nha khoa khoảng 6 tháng/lần để kiểm tra xem vị trí hàn răng còn vững chắc không, xử lý sớm những vấn đề nha khoa nếu có.
Trám răng là kỹ thuật khá đơn giản có thể phục hình cho răng sứt mẻ, răng thưa, răng sâu, giúp bảo tồn răng thật tối đa, từ đó bạn sẽ dễ dàng ăn nhai hơn. Mặc dù khá an toàn những hàn răng có thể gây ra một số rủi ro nếu bác sĩ thực hiện thiếu chuyên môn, kinh nghiệm, vì thế bạn nên lựa chọn nha khoa uy tín để thăm khám và xử lý khuyết điểm trên răng. Ngoài ra, chú ý chăm sóc, vệ sinh răng miệng thật sạch tại nhà để hàm răng luôn chắc khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!